Hầu như chỗ nào trong mỗi ngôi nhà của chúng ta cũng có thể bị thấm. Nguyên nhân vì tác động của môi trường chung quanh luôn nhằm vào những điểm xung yếu trong cấu tạo và vật liệu.
Trong các “bệnh” của công trình xây dựng, thấm là bệnh phức tạp và đòi hỏi “thăm khám” trực tiếp, chữa trị nhiều lần và chấp nhận thử – sai nhiều nhất. Vì vậy chống thấm hiệu quả nhất vẫn là phòng bệnh, phải tính từ lúc thiết kế, từ lúc làm phần thô và khuyến cáo gia chủ sử dụng đúng cách, chứ không phải chờ đến lúc bị thấm mới lo đi chống. Ngoài những chỉ định về kỹ thuật chống thấm, vật liệu chống thấm, cần lưu ý thêm các quan niệm trong sử dụng và thiết kế từ lúc định hình ý tưởng cơ bản của ngôi nhà, cụ thể là:
– Không gian nào có sử dụng nước thường xuyên phải luôn khô ráo. Bố trí thông thoáng tự nhiên tốt, tránh đọng nước trên sàn sẽ giúp giảm thấm nhiều hơn.
– Các bề mặt tường tiếp xúc với hướng khí hậu khắc nghiệt nên dùng biện pháp che chắn, như tạo mảng cây xanh leo có kết hợp vòi phun nước, giúp cho bề mặt tường không bị thấm do co nứt đột ngột bởi thay đổi nhiệt độ.
– Cần lưu ý mái bằng thực chất là một mái dốc có độ dốc nhỏ chứ không phải là một… mặt bàn billards nằm ngang tuyệt đối! Do đó phải tính toán các khoảng đánh dốc đừng quá dài, bố trí nhiều rãnh và lỗ thu nước đúng “năng lực tiêu thoát”. Hạn chế các chướng ngại vật làm cản hướng thoát nước trên mái như cột trang trí, bồn hoa… Nhiều “khổ chủ” đã đúc kết rằng: nếu đã làm mái bằng thì nên thường xuyên sử dụng để chăm sóc cái mái đó. Nếu không, thà lợp mái ngói hoặc tôn lên trên mái bằng còn hơn là để trống, vừa đỡ lo chống thấm vừa kết hợp với chống nóng, giảm bụi. Một số cách làm linh hoạt sau này như đúc sàn hai lớp đổ đất trồng cây, hoặc nâng thêm một lớp sàn nhựa giả gỗ làm nơi sinh hoạt, thư giãn thú vị kết hợp chống thấm chống nóng khá tốt.
– Trong xử lý chống thấm có khoảng 50% trường hợp liên quan đến đường ống cấp thoát nước. Chất lượng ống, quy cách thi công, xử lý mối nối và hộp gen… đều có thể sai sót gây thấm.
– Hãy thử quan sát ngôi nhà truyền thống của cha ông thuở trước với bộ mái dốc đưa ra xa so với mặt nhà nên hầu như không phải chống thấm (chỉ chống dột khi vật liệu lợp mái như lá hoặc ngói bị hư mục cục bộ chỗ nào đó). Đây cũng là xu hướng nhiều nhà biệt thự hiện nay bố trí mái ngói thoát nước trực tiếp ra chung quanh sân vườn kiểu hiên truyền thống. Tất nhiên cách thoát nước này phải tránh… đưa nước sang nhà bên cạnh hoặc nước bị tạt theo gió thổi ngang vào nhà.
Theo các nhà chuyên môn thì dùng máng xối, sê-nô thoát nước kiểu nào cũng có ưu và nhược tùy theo hoàn cảnh cụ thể, nên cần chọn lựa cho phù hợp. Trên thực tế các mảng bancông, sân thượng khi vào mùa mưa thường bị trào ngược nước do thoát không kịp bởi tính toán không đủ đường kính ống thoát, cộng thêm rác rến, bụi đất lấp kín miệng ống. Do đó nên lưu ý về kích cỡ phi ống (đường kính) để đảm bảo khả năng thoát tốt như sau:
– Ống có đường kính (phi) 60 mm có thể thoát nước cho diện tích mái dưới 40m2.
– Ống phi 75 mm có thể thoát nước cho diện tích mái trên 40 – 65m2.
– Ống phi 90 mm có thể thoát nước cho diện tích mái 70 – 100m2.
– Ống phi 114 mm có thể thoát nước cho diện tích 100 – 150m2.
– Ống phi 125 mm có thể thoát nước cho diện tích 150 đến dưới 200m2.
– Ống phi 168 mm có thể thoát nước cho diện tích từ 200 – 300m2.
Các cỡ ống có thể khác biệt tùy theo nhà sản xuất, thực tế nếu không có cỡ ống (ví dụ không có phi 60 mà có thể là 63) như bảng trên thì nên chọn cỡ ống lớn hơn.